Lịch sử thành lập Đảng bộ phường Yết Kiêu

Ngày 8-7-1981, Ban Thường vụ tỉnh ủy Hà Sơn Bình ra Quyết định số 133 QĐ/TU thành lập các tổ chức cơ sở đảng trong đó có Đảng bộ phường Yết Kiêu. Đảng bộ phường Yết Kiêu được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 chi bộ: tiểu khu Yết Kiêu, Khu tập thể 103, Tập thể xí nghiệp Gỗ, Hợp tác xã Bùi Thị Cúc, gồm 83 đảng viên, sinh hoạt ở 5 chi bộ[1]. Trên cơ sở đó, ngày 10-7-1981, Ban Thường vụ Thị ủy Hà Đông ra Quyết định số 210 QĐ/ThU chỉ định Đảng ủy phường Yết Kiêu (lâm thời) gồm 9 đồng chí: Đào Ngọc Liễm (Bí thư), Nguyễn Sỹ Kết (Phó Bí thư), Nguyễn Văn Lương (Thường vụ), Lê Khôi, Vũ Thiệu Thuyên, Lê Chung, Vũ Thị Nghiêm, Vũ Thị Phượng và Vương Đình Chọn. Sự ra đời của tổ chức cơ sở đảng 2 cấp trên địa bàn phường Yết Kiêu là sự kiện có ý nghĩa quan trọng của phát triển cách mạng địa phương, tạo điều kiện trong việc lãnh đạo, tổ chức lực lượng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.

Ủy ban nhân dân thị xã Hà Đông cũng chỉ định Ủy ban nhân dân phường (lâm thời) gồm 03 đồng chí: Nguyễn Sỹ Kết, Thị ủy viên làm Chủ tịch, Đặng Văn Tạo - Phó Chủ tịch, Nguyễn Hữu Hải - Ủy viên Thư ký. Mặt trận Tổ quốc phường có 07 thành viên do đồng chí Nguyễn Thanh Sơn làm Chủ tịch. Đoàn phường gồm 85 đoàn viên sinh hoạt tại 4 chi đoàn[2], Ban Chấp hành đoàn phường có 07 ủy viên do đồng chí Ngô Tiến Dụng làm Bí thư. Hội phụ nữ phường có 05 ủy viên Ban Chấp hành do đồng chí Vũ Thị Nghiêm làm Hội trưởng…

Hệ thống chính trị phường được kiện toàn, Đảng ủy tập trung sự lãnh đạo vào một số nhiệm vụ nổi bật như tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 03 ngày 23-3-1981 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thị xã “Về nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới”; hoàn thành công tác phát thẻ đảng viên gắn liền với củng cố chi bộ, tổ chức cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân thị xã và phường, Thực hiện việc vận động nhân dân di chuyển giải phóng mặt bằng nhằm mở rộng và nâng cấp Quốc lộ 6 (đoạn từ Thanh Xuân đến Cầu Trắng).

Là phường trung tâm thị xã, có cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình đóng trên địa bàn, có nhiều địa điểm công cộng phức tạp như: Bến xe Hà Đông, Rạp Nguyễn Trãi, Vườn hoa Hà Đông, Viện Quân y 103, Cầu Bươu, Chợ Phùng Khoang (nơi giáp gianh), các nhà máy Cơ khí nông nghiệp[3], Len nhuộm.... Nên công tác an ninh trật tự được đặt thành nhiệm vụ hàng đầu. Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường tổ chức triển khai các chuyên đề: Chống chiến tranh tâm lý, chống phá hoại tư tưởng của địch và kích động ngưòi trốn đi nước ngoài; giải quyết trật tự công cộng. Phường Yết Kiêu được công an thị xã chỉ đạo làm điểm 2 chuyên đề “chống chiến tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng của địch” và chuyên đề “giải quyết trật tự công cộng”. Phường mở hội nghị tọa đàm với 65 cơ quan bàn phối hợp giữ gìn an ninh trật tự và phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc với phương châm: Xây dựng tổ nhóm an ninh theo phân xưởng, tổ đội sản xuất, gắn liền sản xuất với bảo vệ sản xuất; giữ gìn trật tự công cộng, xây dựng nếp sống văn minh. Hai ban Bảo vệ khối 1 và khối 2 được kiện toàn gồm 32 người. Thành lập trung đội phòng cháy chữa cháy gồm 36 người. Công an phường phối hợp với các lực lượng mở 06 đợt truy quyét tội phạm hình sự và trộm tài sản xã hội chủ nghĩa. Ngay trong tháng 8 năm 1981, công an phường bắt quả tang vụ trộm tài sản xã hội chủ nghĩa tại nhà máy len nhuộm trị giá 5000 đồng - đây là chiến công đầu tiên của công an phường. Nhờ đó, tình hình trật tự trị an trên địa bàn được bảo đảm. Năm 1981, Công an phường Yết Kiêu được Công an thị xã xếp vào loại khá.

Công tác bầu cử Quốc hội khóa VII (vào ngày 26-4-1981) và Hội đồng nhân dân các cấp cũng là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của đảng bộ. Ngày 11-11-1981, cử tri phường đi bầu cử, bầu cử Hội đồng nhân dân Thị xã khóa XIII, bầu cử Hội đồng nhân dân phường (khóa I), bầu được 09 đại biểu Hội đồng nhân dân Thị xã, 33 đại biểu Hội đồng nhân dân phường. Ủy ban nhân dân phường (khóa I) do đồng chí Nguyễn Sỹ Kết, Thị ủy viên làm Chủ tịch, đồng chí Đặng Văn Tạo làm Phó Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Hữu Hải làm Ủy viên Thư ký.

Thực hiện chủ trương của Nhà nước về mở rộng Quốc lộ 6 (đoạn ngã Tư Sở đến Cầu Trắng) theo quy hoạch chung mà trước mắt phục vụ cho việc vận chuyển vật tư thiết bị lên công trường thủy điện Hòa Bình. Được sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thị xã, Phường tập trung vận động nhân dân di chuyển giải phóng mặt bằng phục vụ bước một giải phóng mặt bằng Quốc lộ 6[4].

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, đại đội tự vệ phường được thành lập gồm 120 đồng chí. Thị đội Hà Đông cử đồng chí Hanh, sỹ quan về tăng cường, phụ trách công tác quân sự phường.

Từ ngày 21 đến ngày 23-11-1981, Đảng bộ Phường tổ chức đại hội lần thứ I (vòng 1). Tổng số có 78 đồng chí đảng viên tham dự. Qua 03 ngày làm việc tích cực, khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao và phát huy dân chủ trong Đảng, các đại biểu đã sôi nổi tham gia ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng. Đại hội bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội XII Đảng bộ thị xã Hà Đông gồm 07 đại biểu chính thức, 01 đại biểu dự khuyết. Đồng thời phát động phong trào thi đua “lập công dâng Đảng” với nội dung phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1982 ngay từ tháng đầu, quý đầu, lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng.

Đầu năm 1982, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu biên chế bộ máy của phường theo Nghị quyết số 16 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), theo đó phường Yết Kiêu có 14 chỉ tiêu định biên. Hoàn thành công tác tuyển chọn 17 công dân nhập ngũ (đạt 113% kế hoạch). Tính chung từ năm 1965 đến 1982, trên địa bàn phường Yết Kiêu đã huy động 504 người nhập ngũ bằng 22,4% dân số, cao nhất 8 xã, phường trong toàn Thị xã (bình quân tỷ lệ của toàn thị xã là 15,2%)[5].

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982), Đảng bộ phường tiến hành đợt sinh hoạt chính trị học tập Nghị quyết Đại hội Đảng, qua đó làm cho mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức đúng thành tựu to lớn đã đạt được, thấy rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan mà Đại hội Đảng đã phân tích. Đồng thời quán triệt những mục tiêu chính sách lớn đại hội đã đề ra trong kế hoạch 5 năm 1981 - 1985, phương hướng xây dựng cấp huyện, quán triệt tư tưởng phương châm chỉ đạo: lấy dân làm gốc, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Thời kỳ này hàng hóa thiếu thốn, giá cả thị trường biến động theo chiều hướng ngày một tăng cao, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Với phong trào: “gửi một đồng tiết kiệm là góp một viên gạch xây dựng chủ nghĩa xã hội”, nhân dân phường thi đua sôi nổi gửi tiền tiết kiệm, vượt 266% kế hoạch được giao. Tuy nhiên, việc cải tiến lưu thông làm còn chậm; cải tạo tiểu thương, quản lý thị trưòng làm chưa liên tục thường xuyên nên tư thương phát triển nhiều, trật tự trong phân phối lưu thông không được đảm bảo, giá cả tiếp tục biến động lớn. Việc chăm lo đời sống nhân dân và cán bộ, công nhân viên chức còn nhiều thiếu sót, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Các hoạt động văn hóa - xã hội vẫn được giữ vững và phát triển. Phường chưa có các trườmg học phổ thông, học sinh được bố trí sang các trường tại phường Nguyễn Trãi và xã Văn Yên. 2 lớp mẫu giáo trên địa bàn phường có 51 cháu theo học, cùng với các lớp mẫu giáo, nhà trẻ ở các cơ quan đóng trên địa bàn bảo đảm thu hút 100% trẻ đến lớp.

Các đoàn thể quần chúng đã có nhiều hoạt động thiết thực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tham gia phong trào toàn dân “Giữ gìn trật tự công cộng, xây dựng nếp sống văn minh” do Thị ủy Hà Đông phát động. Đoàn thanh niên tích cực trong phong trào “Ba xung kích làm chủ tập thể”. Phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã cổ vũ động viên phụ nữ phường hăng hái thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, đẩy mạnh phong trào nuôi con khỏe, dạy con ngoan, đỡ đầu con liệt sỹ, thực hành tiết kiệm ủng hộ đồng bào biên giới và vận động chồng, con tòng quân bảo vệ Tổ quốc. Mặt trận Tổ quốc phường củng cố các tổ chức thành viên, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái lao động sản xuất, xây dựng gia đình văn hóa mới, đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội.

Thông qua các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, Đảng ủy đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được tăng cường, đến cuối năm 1982 toàn Đảng bộ đã có 68 đảng viên có trình độ sơ cấp chính trị. Hầu hết cán bộ phường được bồi dưỡng qua các lớp về tình hình và nhiệm vụ mới, về công tác quản lý. Đợt giáo dục nâng cao phẩm chất cách mạng, học tập Nghị quyết Đại hội V của Đảng được tổ chức nghiêm túc đã góp phần nâng cao nhận thức về tình hình nhiệm vụ cách mạng trong đảng viên, xây dựng niềm tin vững chắc vào đường lối, chính sách của Đảng, khắc phục tư tưởng hoài nghi dao động trước khó khăn, nêu cao phẩm chất chính trị của người cán bộ, đảng viên. Năm 1982, thông qua các phong trào cách mạng của quần chúng, Đảng bộ đã bồi dưỡng được 04 đảng viên mới bảo đảm chất lượng.

Thực hiện Chỉ thị số 02 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và chỉ đạo của Thị ủy, Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng bộ phường (vòng II) tiến hành vào tháng 10-1982. Dự Đại hội có 98 đồng chí trong tổng số 116 đảng viên toàn Đảng bộ. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ V của Đảng, Đại hội kiểm điểm công tác từ ngày thành lập phường, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ (1983 - 1985) và các giải pháp về kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng, an ninh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng Đảng bộ phường vững mạnh.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa I, nhiệm kỳ (1983 - 1985) gồm 13 ủy viên.

Tại phiên họp Ban Chấp hành đầu tiên bầu Ban Thường vụ gồm 04 ủy viên, là các đồng chí: Đào Ngọc Liễm (Bí thư), Nguyễn Sỹ Kết (Phó Bí thư), Vương Đình Chọn và Nguyễn Văn Lương.

Tại Đại hội XII Đảng bộ thị xã Hà Đông (tháng 12 - 1982), đồng chí Nguyễn Sỹ Kết, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch ủy ban nhân dân phường được tái cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ Thị xã. Và được Ban Chấp hành bầu vào Ban Thường vụ, làm Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy. Đồng chí Đào Ngọc Liễm, Bí thư Đảng ủy kiêm nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường từ tháng 1-1983.

Năm 1983, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường tập trung giải phóng mặt bằng mở rộng và nâng cấp Quốc lộ 6 (đợt 2, đoạn từ Hà Nội đến đầu Cầu Trắng). Đợt này mở rộng chỉ giới đường lên 38 m. Phường tổ chức vận động tháo dỡ đền bù cho 25 cơ quan với số tiền là 3.100.000 đồng (chưa kể bến xe Hà Đông). Triển khai thực hiện Nghị quyết số 03 của Bộ Chính trị về đấu tranh chống địch phá hoại tư tưởng cho toàn Đảng và toàn dân hiểu biết và đề cao cảnh giác trước âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch; tiến hành đợt tổng kiểm tra về hộ tịch, hộ khẩu; chấn chỉnh và hoàn thiện phương án bảo vệ; phát động toàn dân tiếp tục phòng chống gián điệp, quản lý quan hệ thư tín, tiền hàng từ nước ngoài, phòng chống người trốn ra nước ngoài. Thực hiện nghiêm túc công tác xét duyệt hồ sơ tuyển nghĩa vụ lao động, tuyển sinh vào các trường quân sự, trung học và đại học chuyên nghiệp.

Tháng 9-1983, 172 đảng viên trên tổng số 177 đảng viên ở 12 chi bộ trong toàn Đảng bộ tập trung học tập 15 điều quy định về công tác bảo vệ Đảng theo Chỉ thị số 33 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đảng ủy tập trung chỉ đạo phát hiện những trường hợp gây phiền hà, vi phạm chủ trương chính sách, làm rõ về lai lịch đối với các trường hợp nghi vấn, có tiền án, bị địch bắt.... Qua phân loại Đảng ủy xử lý kỷ luật 02 trường hợp đảng viên không đủ tư cách.

Tháng 12-1983, Ban Chấp hành Đảng bộ phường chấp thuận: đồng chí Đào Ngọc Liễm thôi chức Bí thư Đảng ủy để tập trung nhiệm vụ Chủ tịch. Và bầu đồng chí Hoàng Kim Triết làm Bí thư Đảng ủy; đồng chí Đào Ngọc Liễm làm Phó Bí thư Đảng ủy. Đồng chí Phạm Khắc Minh, cán bộ Văn phòng Ủy ban nhân dân Thị xã được cử về Phường công tác (9-3-1984), làm Phó Chủ tịch thay đồng chí Đặng Văn Tạo, được điều chuyển công tác tại Mặt trận Tổ quốc thị xã Hà Đông.

Thực hiện chủ trương phân cấp và tăng cường xây dựng cấp huyện, phường Yết Kiêu được cấp trên cho phép thành lập Hợp tác xã Mua bán. Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường triển khai học tập điều lệ hợp tác xã, bố trí cán bộ, địa điểm kinh doanh. Tháng 5 - 1984, Hợp tác xã Mua bán phường Yết Kiêu chính thức đi vào hoạt động với vốn cổ đông đóng góp là 14.000 đồng.

Ngày 6-5-1984, 98,6% cử tri phường tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân thị xã Hà Đông (khóa 14) và phường Yết Kiêu (khóa 2). Các đồng chí Đào Ngọc Liễm (Chủ tịch) và Phạm Khắc Minh (Phó Chủ tịch) tái đắc cử nhiệm kỳ (1984 - 1987).

Giữa lúc nhân dân phường Yết Kiêu cùng cả nước đang gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm thì phải đối phó với trận ngập úng lớn. Do ảnh hưởng đột biến của cơn bão số 9, từ 7 giờ ngày 9 đến 7 giờ ngày 10 - 11 - 1984, ở thị xã Hà Đông mưa rất to, trong 24 giờ lượng mưa lên trên 500 mm và các ngày sau đó tiếp tục có mưa. Mực nước sông Nhuệ từ cốt lm50 (lúc 7 giờ ngày 9 tháng 11) lên cốt 5m7 cao hơn mức lũ cao nhất năm 1971, gây ra úng lớn, làm ngập hàng trăm nhà cửa ở tập thể Cơ khí nông nghiệp... Ở ngoại thị, các xã mới bắt đầu gặt lúa[6]. Trước tình hình đó, theo sự phân công của Thị ủy, Đảng ủy phường huy động thanh niên tham gia giúp nhân dân chống úng lụt, phòng trừ dịch bệnh và thu hoạch lúa mùa.

Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 1984, tiếp tục được đẩy mạnh. Phường thành lập trung đội vũ trang an ninh. Các tổ an ninh nhân dân được kiện toàn. Lực lượng Công an phường tích cực thực hiện 6 lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, triển khai Nghị quyết 128 và Chỉ thị 83 của Hội đồng Bộ trưởng về bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa.

Ban Chấp hành Đoàn phường tổ chức nhiều phong trào cách mạng như: Tuổi trẻ tham gia cuộc hành quân tiếp bước chân người anh hùng, Đội thanh thiếu niên an ninh đường phố, thanh niên tham gia phòng cháy, chữa cháy; cắm trại hè, liên hoan văn hóa văn nghệ và học tập tấm gương các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trên biên giới[7] đã thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Phường và định hướng giáo dục chính trị, lý tưởng, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa cho thế hệ trẻ.

Thi hành Chỉ thị số 80 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và sự chỉ đạo của Thị ủy trong 2 ngày 15 và 16-8-1985, Đại hội lần thứ II của Đảng bộ[8] phường được tổ chức. Đại hội đã thẳng thắn đánh giá những thành công, hạn chế qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội khóa I, đặc biệt trong việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn phường. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 13 ủy viên.

Tại phiên họp thứ nhất (27-8-1985), Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 4 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Bỉ[9], Thị ủy viên được bầu làm Bí thư Đảng ủy.

Ngay sau Đại hội, Đảng ủy triển khai Nghị quyết số 04 Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thị xã về “xây dựng đảng bộ phường và tăng cường lãnh đạo đối với cấp phường” (họp ngày 20-6-1985). Đồng chí Nguyễn Sỹ Kết, ủy viên thường vụ Thị ủy được phân công chỉ đạo thực hiện đề án tại phường Yết Kiêu. Thực hiện sự phân cấp này, phường Yết Kiêu được phân cấp tương đối toàn diện về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng và an ninh, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và ngân sách, xây dựng lực lượng chính trị và xây dựng Đảng bộ phường vững mạnh. Trong đó đáng chú ý là về kinh tế, được trực tiếp quản lý (và thu thuế công thương nghiệp) chủ yếu đối với các hợp tác xã cấp thấp, các tổ sản xuất, hộ thủ công cá thể, Hợp tác xã Mua bán, các tổ dịch vụ, xây dựng, sửa chữa nhỏ và kinh tế phụ gia đình. Phường được thành lập Hợp tác xã Tín dụng và có chức năng giám sát các cửa hàng thương nghiệp quốc doanh và các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thuộc cấp trên quản lý. Đây là bước phân cấp đầu tiên sau 4 năm phường Yết Kiêu được thành lập.

Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã được triển khai trên địa bàn phường trong bối cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (khóa V) quyết định: “Phải dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện đúng chế độ tập trung dân chủ,hạch toán kỉnh tế và kỉnh doanh xã hội chủ nghĩa thì mới đẩy mạnh được sản xuất, kinh doanh có hiệu quả”, “Xóa bỏ chế độ tập trung quan liêu - bao cấp trong giá và lương là yêu cầu cấp bách, là khâu đột phá có tính Quyết định để chuyển hẳn nền kinh tế sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa”, có ý nghĩa quan trọng tạo điều kiện để Đảng bộ tập trung phát triển kinh tế xã hội cùng cả nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội.

Được sự lãnh đạo trực tiếp của Thị ủy, song song với việc tổ chức quán triệt sâu rộng Nghị quyết Trung ương 8 từ trong Đảng bộ ra các tầng lớp nhân dân, Đảng ủy - Ủy ban nhân dân phường phối hợp với các ngành, cơ quan thực hiện công tác bù giá vào lương cho các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn kể từ ngày 1-8-1985.

Tiếp đó, thực hiện chủ trương của Trung ương, ngày 14-9-1985, cùng với cả nước, Đảng ủy lãnh đạo công tác thu đổi tiền cũ và phát hành tiền ngân hàng mới với mức thu đổi 10 đồng cũ bằng 01 đồng mới, bảo đảm đúng giờ quy định, an toàn và đạt kết quả tốt. Đồng thời tổ chức tốt việc sắp xếp lương mới cho cán bộ, công nhân viên chức và hưu trí, mất sức theo Nghị định 235 và 236 của Hội đồng Bộ trưởng.

Việc cải cách giá - lương - tiền năm 1985 trên cả nước không đem lại kết quả như mong muốn. Tình hình phân phối lưu thông hàng hóa tiếp tục rối ren, căng thẳng. Sau đổi tiền giá cả tăng lên 10 lần, ngân sách thâm hụt lớn, lạm phát tăng nhảy vọt, sản xuất kinh doanh giảm sút, hàng hóa nhà nước bán ra quá ít, nhiều mặt hàng không có, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Hệ thống Hợp tác xã Mua bán phường tích cực phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, kinh doanh và làm ăn có lãi, cùng với mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, phục vụ đời sống nhân dân trong điều kiện có thể.

Năm 1985, cũng là năm đầu phường Yết Kiêu triển khai phong trào xây dựng gia đình 3 an toàn, cơ quan 4 an toàn, phường 3 an toàn do Thị ủy Hà Đông phát động và thực hiện Chỉ thị về cuộc vận động đuổi kịp và vượt các điển hình tiên tiến trong phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quổc. Cảnh sát đường phố của phường được bổ sung thêm 06 đồng chí. Phường Yết Kiêu là 1 trong 4 xã, phường đạt tiêu chí phường 3 an toàn của thị xã năm 1985.

Công tác văn hóa, thông tin và truyền thanh tập trung phục vụ các chủ trương, chính sách của Đảng, nhiệm vụ chính trị của địa phương; đấu tranh chống văn hóa đồi trụy, lạc hậu; xây dựng đời sống văn hóa mới, con người mới. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng cùng với phim ảnh, sách báo và thư viện tích cực phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, cán bộ lão thành cách mạng, các gia đình có công với nước, cán bộ hưu trí, mất sức được quan tâm chu đáo. Có 02 thương binh nặng được gia đình đón về chăm sóc tại nhà, phường tạo điều kiện để được cấp đất xây dựng nhà ở. Công tác cứu tế xã hội được giải quyết kịp thời.

Trước yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới, công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng trở thành yêu cầu cấp thiết. Đảng ủy lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể quần chúng tích cực cùng cố và kiện toàn tổ chức cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, vận động quần chúng hăng hái gửi tiền tiết kiệm, đấu tranh chống tiêu cực, chống các tệ nạn xã hội. Đặc biệt cuộc vận động nhân dân tiết kiệm tiêu dùng để ủng hộ đồng bào bị bão lụt và tặng chiến sỹ nơi biên giới, hải đảo đạt kết quả khá.

Công tác xây dựng Đảng được Đảng ủy coi trọng toàn diện. Công tác chính trị, tư tưởng tập trung quán triệt và thực hiện các Nghị quyết hội nghị lần thứ 6, 7, 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V). Đẩy mạnh tuyên truyền thời sự, chính sách, nói chuyện truyền thống nhân những ngày kỷ niệm trọng thể của dân tộc. Việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng đảng viên và củng cố cơ sở đảng được chú trọng đúng mức, cán bộ, đảng viên chủ chốt được đào tạo chương trình sơ cấp chính trị tại trường Đảng Thị xã. Trình độ mọi mặt của cán bộ, đảng viên nâng lên, số đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng giảm, chỉ có 05 trường hợp phải xử lý kỷ luật, trong đó đưa ra khỏi Đảng 02 trường hợp không đủ tư cách. Công tác củng cố chính quyền phường đã có những chuyển biến về quản lý hành chính và quản lý kinh tế, bước đầu thực hiện kế hoạch toàn diện, nhất là điều hành và quản lý kinh tế.

Bước sang năm 1986, thực hiện Chỉ thị số 79 ngày 11-3-1986 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về: Tổ chức đợt tự phê bình và phê bình, chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp, Đảng ủy đã khẩn trương triển khai và nghiêm túc thực hiện trong toàn Đảng bộ. Trong đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này những yếu kém, thiếu sót trong lãnh đạo, phẩm chất đạo đức, tác phong chỉ đạo và công tác cán bộ của các cấp ủy và cá nhân đảng viên được phân tích kỹ và đề ra biện pháp khắc phục. Toàn Đảng bộ có 281 đảng viên, qua phân loại có: 103 đảng viên già yếu được miễn công tác, 79 đồng chí không giữ chức vụ, 13 đồng chí phẩm chất tốt nhưng tác dụng hạn chế, 06 trường hợp vi phạm tư cách (trong đó kỷ luật 3, để lại xem xét 3). Trong quá trình xem xét một số đảng viên loại 3 phấn đấu tiến bộ. Chất lượng đảng viên được nâng lên một bước cả về phẩm chất, tinh thần và năng lực công tác. Phong cách lãnh đạo và lề lối làm việc được đổi mới. Phong trào xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh được đẩy mạnh.

Công tác an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được Đảng ủy quan tâm lãnh đạo. Đảng ủy phối hợp với các ngành tiến hành tổng kết 2 năm thực hiện Chỉ thị về cuộc vận động đuổi kịp và vượt các điển hình tiên tiến trong phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng phong trào gia đình 3 an toàn, đơn vị 4 an toàn. Công an phường thường xuyên kiểm tra công tác bảo vệ của các cơ quan trên địa bàn, chấn chỉnh việc bảo vệ kho tàng, thành lập đội bảo vệ nội bộ; triển khai các phương án đấu tranh chống đầu cơ, buôn lậu. Toàn phường có 95% số hộ và 90% cơ quan hoàn thành cải tiến khóa bên trong, dẫn đầu phong trào của Thị xã.

Trường mẫu giáo phường Yết Kiêu được thành lập, cô giáo Tạ Thị Minh Huệ giữ chức Hiệu phó nhà trường (Quyết định số 156, ngày 28-7-1986 của Ủy ban nhân dân thị xã Hà Đông).

Năm 1986 đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng: Sản xuất lương thực không đủ ăn, hàng hóa khan hiếm, đồng tiển mất giá, lạm phát lên mức 774%, đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn. Đảng bộ và nhân dân phường Yết Kiêu cũng trong tình trạng đó. Các nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã thủ công vốn được Nhà nước bao cấp, nay thật sự khó khăn sản xuất vì không có nguyên vật liệu. Với trách nhiệm đối với Đảng và nhân dân, Đảng bộ và nhân dân Yết Kiêu vẫn quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Đồng thời giữ vững khối đoàn kết trong Đảng giữ vững nguyên tắc, giữ vững sự trong sáng của Đảng.

Giữa lúc cả nước và địa phương đang tìm cách tháo gỡ khó khăn thì Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12 năm 1986) đề ra đường lối đổi mới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Đảng viên, cán bộ và nhân dân phường Yết Kiêu cùng cả nước phấn khởi lạc quan tin tưởng vào đường lối đổi mới, nỗ lực lao động xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh.



[1] Khu tập thể 103 có 23 đảng viên, Tập thể xí nghiệp Gỗ: 8, khối 1: 28, khối 2: 19, Hợp tác xã Bùi Thị Cúc: 5

[2] Là các chi đoàn: khối 1, khối 2, Tập thể 103 và Xí nghiệp Gỗ.

[3] Ngay đầu tháng 5 - 1981, Nhà máy Cơ khí nông nghiệp đã xảy ra 5 vụ trộm, có 3 vụ nghiêm trọng: tài sản bị mất trị giá hàng chục ngàn đồng làm tê liệt một bộ phận sản xuất

[4] Chỉ giới đoạn đường này là 63m. Năm 1981 - 1982, bước một mở rộng chỉ giới lên 30m. Năm 1983 là 38m

[5] Báo cáo của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Thị xã tại Hội nghị Ban Thường vụ Thị ủy ngày 24-4-1982

[6] Diện tích lúa mùa là 2.333 mẫu đã thu họach 902 mẫu.

[7] Tháng 7-1984, Phường Yết Kiêu long trọng tổ chức lễ truy điệu 2 liệt sỹ hy sinh trên biên giới phía Bắc:

- Nguyễn Đình Cường, sinh 20-2-1961 (72 Huỳnh Thúc Kháng), hy sinh ngày 12-7-1984.

- Nghiêm Thanh Hải, sinh 21-9-1964 (44 Phan Đình Phùng), hy sinh 14-7-1984.

[8] Toàn Đảng bộ có 263 đảng viên, 176 đồng chí ở độ tuổi từ 51 trở lên (66,9%).

Trình độ học vấn: cấp 1: 62 đồng chí (23,6%); cấp 2: 131 đồng chí (49,8%); cấp 3: 70 đồng chí (26,6%, trong đó có 22 đồng chí có bằng Đại học).

[9] Nguyên Phó Trường ban Tuyên giáo, đi tăng cường tại xã Kiến Hưng (1983 - 1985), được phân công về phường Yết Kiêu từ ngày 21-6-1985, tham gia Đảng ủy phường.

Thực hiện: 

Quốc Anh

Viết bình luận

Xem thêm tin tức