Trên một số diễn đàn tiếng Việt ở nước ngoài, có người cho rằng VN cần “đi tìm chủ thuyết mới để phát triển” vì Cương lĩnh 2011 trên thực tế đã lỗi thời… Đằng sau những ý kiến như vậy là vấn đề gì?
Trước hết phải nói rằng, việc tiếp thu các tư tưởng tiến bộ, ý tưởng sáng tạo của thế giới nhằm làm giàu thêm trí tuệ của Đảng, là việc mà Đảng ta tiến hành thường xuyên, liên tục. Tôi cũng đã biết đến một số ý kiến đề xuất rằng Đảng phải “đi tìm chủ thuyết mới”, mà thực chất là muốn Đảng ta thay đổi nền tảng tư tưởng, đó là điều Đảng ta không chấp nhận.
Cụ thể như có ý kiến phê phán Cương lĩnh 2011, họ cho rằng Cương lĩnh 2011 đã lỗi thời. Vừa rồi, Hội nghị lần thứ 11 của BCHTW Đảng vừa cho ý kiến vào báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, có nhìn lại gần 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991.
Chúng ta thấy rõ, hơn 33 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc lịch sử và ý nghĩa cách mạng to lớn, là một quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta. Cương lĩnh 1991, bổ sung, phát triển năm 2011 tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ, tập hợp, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân ta; là nền tảng để Đảng ta tiếp tục phát triển hệ thống lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH, hoàn thiện đường lối xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Nhìn tổng thể, sau 33 năm đổi mới, 28 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, nhất là 10 năm gần đây, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đồng thời, cũng phải thấy còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, bất cập cần tiếp tục nghiên cứu, tập trung giải quyết để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn.
Qua 4 năm nhiệm kỳ khoá XII, đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật:
Kinh tế tăng trưởng liên tục và cao hơn nhiệm kỳ trước, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh; kinh tế vĩ mô ổn định và từng bước được tăng cường; sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô của nền kinh tế được nâng cao.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả rõ rệt, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, tin tưởng và ủng hộ.
Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của VN trên trường quốc tế. Báo cáo mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV cho thấy: Tốc độ tăng GDP cả năm 2019 ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới.
Nước ta được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018. Thành tích giảm nghèo của VN tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. VN vừa được bầu là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ với số phiếu 192/193… Như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là, sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cơ đồ đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay.
Với những thành tựu trên thì tự nó đã trả lời cho chúng ta thấy tương lai con đường phát triển của đất nước, tự nó đã phủ định những ý kiến xuyên tạc, bịa đặt về tình hình VN.
Tất nhiên, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, chúng ta cũng tỉnh táo phân tích để nhận thấy, sau gần 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập. Những nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn hiện hữu. Đáng chú ý là vấn đề quản lý xã hội. Qua quá trình phát triển, đất nước kinh tế đi lên nhưng các vấn đề về xã hội, tâm trạng xã hội, đời sống xã hội lại gia tăng những khó khăn, thách thức; xã hội thì bình yên nhưng tâm trạng của nhân dân cũng không phải đã ổn định. Hay vấn đề an ninh-quốc phòng, đối ngoại.
Trong một thế giới có nhiều biến động rất phức tạp, khó lường, diễn biến ở khu vực cũng như thế giới đều có điểm nóng, ảnh hưởng, tác động rất nhiều chiều đến nước ta. Trong điều kiện như thế, chúng ta phải tổ chức lực lượng về QP-AN như thế nào để bảo đảm kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Rồi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên…
Những vấn đề này đòi hỏi chúng ta tiếp tục phải có sự nghiên cứu, bổ sung vào đường lối đổi mới đất nước, nhưng tuyệt nhiên không có chuyện đi tìm một “chủ thuyết phát triển mới” vì trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề nền tảng, là nguyên tắc trong định hướng phát triển của đất nước ta.
Viết bình luận