Hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng: Nỗ lực bền bỉ suốt hơn 20 năm của cựu binh Hà thành

Tại địa bàn phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, TP.Hà Nội, từ 54 người nghiện vào năm 2000, đến nay, con số này đã giảm đi đáng kể. Đây thực sự là nỗ lực không nhỏ của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức cũng như đoàn thể địa phương, trong đó, có một phần đóng góp miệt mài của Đội công tác xã hội tình nguyện phường Yết Kiêu và Đội trưởng - cựu binh Trần Văn Viên (SN 1958) ở tổ dân phố 4 nói riêng.

Được biết, thời điểm năm 2000, trong quá trình tham gia đội bảo vệ dân phố,  ông Viên trực tiếp “mục sở thị” rất nhiều  vấn đề xã hội phức tạp liên quan người ng hiện ma túy trên địa bàn. Điển hình, nạn trộm  cắp diễn ra thường xuyên và rất nhiều vụ là do người nghiện gây ra. Bên cạnh đó, không  ít gia đình tan vỡ, cha - con, chồng - vợ ly tán,  mâu thuẫn gia tăng phức tạp… chỉ vì ma túy.

Trăn trở về thực trạng này, sau khi cân nhắc kỹ, ông đã chủ động đề xuất cùng các  hội viên Hội Cựu chiến binh và Hội Liên hiệp  phụ nữ phường thành lập Câu lạc bộ phòng, chống tệ nạn xã hội và ma túy từ gia đình. Từ đây, ông cùng mọi người trong câu lạc  bộ thường xuyên tham gia hoạt động tuyên  truyền về tác hại của ma túy, nạn mại dâm, HIV/AIDS; đồng thời, tích cực vận động chống  kỳ thị đối với người nghiện, thuyết phục, giúp đỡ người nghiện, tái hòa nhập cộng đồng.

Năm 2009, từ nòng cốt là câu lạc bộ,  UBND quận Hà Đông thành lập Đội công tác  xã hội tình nguyện phường Yết Kiêu do UBND phường quản lý. Lúc này, ông Viên được bầu  làm đội trưởng. Với đặc thù công việc mà một  mặt luôn đòi hỏi phải có tình yêu thương, sự  bao dung cao độ cùng tính nhẫn nại, khéo léo;  mặt khác lại phải luôn giữ vững lập trường, quyết không lùi bước khi đối diện với những lời thách thức, đe dọa, ông đã phải tôi luyện cho mình bản lĩnh và sự điềm tĩnh cao độ, kiên  định với con đường đã lựa chọn. Và “trái ngọt” mà ông cũng như các đồng sự nhận được chính là ngày càng có nhiều người nghiện được hỗ trợ, chấm dứt với con đường “trắng”.  Trong số đó, một số người đã bước đầu có việc làm ổn định như lái xe taxi, làm thợ cơ khí, thợ nhôm kính…, tạo thu nhập nuôi sống bản  thân và hỗ trợ gia đình. Họ - những con người  từng lầm lỗi đã vượt qua được quá khứ của  mình, trở về với cuộc sống đời thường, thành những công dân có ích, giảm thiểu gánh nặng cho gia đình và xã hội. 

Theo chia sẻ của ông Viên, để tham gia và  duy trì được công việc này, ngoài sự nhiệt tình, tận tâm, điều quan trọng là phải gây dựng được lòng tin không chỉ với chính người nghiện mà còn với gia đình, người thân của họ. Bởi chỉ khi có lòng tin, họ mới sẵn sàng tiếp nhận sự tư vấn, hỗ trợ của những người làm công tác xã hội  như ông. Ông kể, với những trường hợp người nghiện thực hiện cắt cơn tại nhà, ông thường xuyên có mặt để làm công tác tư tưởng, động viên họ cũng như gia đình cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn. Không ít lần người nghiện không vượt qua được nhu cầu của cơ thể, điên cuồng đập phá đồ đạc, chửi bới, xúc phạm…  ông vẫn giữ thái độ kiên trì, mềm mỏng. Bởi với ông, những tình huống không mong muốn này vẫn nằm trong dự liệu. Ông không lấy làm nản chí mà ngược lại, càng cố gắng nỗ lực hơn nữa  để giúp họ cắt cơn thành công.

Cũng theo cựu binh Trần Văn Viên, tính  đến hết tháng 5/2022, trên địa bàn phường  Yết Kiêu có 19 trường hợp sử dụng ma túy có trên hệ thống hồ sơ. Còn Đội công tác xã hội  tình nguyện quản lý 12 người nghiện sau cai và đây là nhóm rất cần được hỗ trợ sát sao nhằm hạn chế việc tái nghiện. Chính bởi vậy, ngoài thường xuyên động viên, thăm hỏi về  đời sống, tâm tư của các cá nhân, ông còn  làm công tác tư tưởng cho gia đình để họ gần  gũi, quan tâm con em ở mức tối đa, nhất là  trong việc hướng nghiệp, quản lý kinh tế…

Thực tế cho thấy, không ít người sau cai gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm  để ổn định đời sống. Thất nghiệp trong thời  gian dài sẽ dễ kéo theo những bất cập khác, họ có thể lại sa ngã. Bên cạnh đó, một số trường hợp bị bạn bè lôi kéo, rủ rê và đôi khi chỉ vì một phút yếu lòng mà họ lại tự đưa mình  quay về con đường cũ. Ông luôn tâm niệm:  Một người nghiện cai thành công đã khó, duy  trì để không tái nghiện càng không phải điều  dễ dàng. Nếu họ tái nghiện, bao nhiêu công sức và nỗ lực trước đó đổ sông đổ biển, chưa kể, kéo theo đó là hàng loạt gánh nặng đối  với gia đình, xã hội… Vậy nên ông luôn nỗ lực  hết mình, bằng kiến thức, tâm tư, sự sẻ chia, động viên kịp thời, hạn chế tối đa tình trạng người sau cai tái nghiện trở lại.

Hiện đội công tác xã hội tình nguyện do ông phụ trách gồm 9 thành viên, phân bố rải rác tại 7 tổ dân phố trên địa bàn. Được biết, ngoài trực tiếp tuyên truyền, vận động người nghiện đi cai nghiện, ông cùng các thành viên trong đội còn thường xuyên tổ chức các đợt  đi nhặt bơm kim tiêm trên địa bàn, góp phần  đảm bảo an toàn cho các khu phố. Kết quả  bước đầu là tình trạng bơm kim tiêm vứt bừa bãi cũng đã được giảm thiểu đi nhiều…

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, bất cập nhưng với kỹ năng xử lý tình huống cùng kinh nghiệm tích lũy suốt hơn 20 năm, với ông Viên, công tác hỗ trợ tình nguyện này đã trở  thành công việc quen thuộc. Không kỳ vọng điều gì cho riêng cá nhân mình, ông chỉ mong  trong thời gian tới, công tác hỗ trợ mà ông và các cộng sự đang thực hiện sẽ tiếp tục nhận được sự đồng lòng, ủng hộ nhiệt tình hơn nữa  của quần chúng, huy động được nhiều nguồn lực cùng tham gia, góp phần giảm thiểu tình trạng phức tạp do nghiện ma túy trên địa  bàn, để đời sống nhân dân trong khu vực ngày càng lành mạnh hơn.

Thực hiện: 

Phan Nguyễn

Viết bình luận

Xem thêm tin tức