Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Ban chủ nhiệm HTX Văn Phú
(nay thuộc phường Phú La) nhân dịp Tết Bình Ngọ 1966.
Tấm áo giáp vững chắc, vành đai bảo vệ Thủ đô trong những năm kháng chiến
Nằm giữa các làng Việt cổ, tên gọi Hà Đông được hình thành dưới thời Pháp thuộc gắn liền với quá trình chia tách tỉnh Hà Nội, với mốc lịch sử 06/12/1904 khi toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi tên tỉnh Cầu Đơ thành tỉnh Hà Đông. Và tên gọi của tỉnh lỵ cũng là Hà Đông gồm nội thị với 2 khu phố: tả ngạn sông Nhuệ là Hà Văn, hữu ngạn sông Nhuệ là Hà Cầu. Hơn 1 thế kỷ là trung tâm chính trị của tỉnh Hà Đông, Hà Sơn Bình, Hà Tây; Hà Đông còn được xem như tấm áo giáp vững chắc, cửa ngõ đặc biệt quan trọng, vành đai trực tiếp bảo vệ Thủ đô.
Là nơi sớm tiếp nhận ánh sáng cách mạng từ lãnh tụ thiên tài Nguyễn Ái Quốc, ngay từ đầu năm 1930 tại thôn La Khê, một số thanh niên yêu nước đã mở một lớp học chữ Quốc ngữ để tạo điều kiện tập hợp quần chúng, phát triển tổ chức và bí mật quyên góp tiền ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ở Hà Đông, thời khắc lịch sử được đánh dấu với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Vạn Phúc đêm 16 rạng ngày 17/8/1945 và cơ bản hoàn thành vào ngày 23/8/1945. Từ ngày 3 đến 19/12/1946, Làng dệt Vạn Phúc vinh dự được đón Bác Hồ về ở và làm việc. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Người, Đảng bộ và nhân dân Hà Đông đã nhất tề đứng lên xây dựng và củng cố phòng tuyến chiến đấu. Những trận đánh bốt Đa Sỹ, phục kích diệt địch trên đường 6, đường 70, đường 71 mãi là những mốc son lịch sử, đánh dấu những đóng góp của Hà Đông trong 9 năm trường kỳ kháng chiến với kết thúc thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”
Ngày 6/10/1954, từ 7 giờ sáng, quân Pháp rút khỏi thị xã Hà Đông, bộ đội và cán bộ ta từ nhiều ngả tiến vào thị xã. Đến 9 giờ, tên lính Pháp cuối cùng rời khỏi thị xã. Đúng 12 giờ, cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động, trên 2.000 nhân dân phấn khởi chào mừng thắng lợi, chào mừng Ủy ban quân chính tỉnh Hà Đông. Thị xã Hà Đông được hoàn toàn giải phóng. Từ đây, ngày 6/10/1954 đã trở thành một mốc son, sự kiện trọng đại, đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra trang sử vẻ vang trong lịch sử quê hương Hà Đông.
Sau ngày giải phóng, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Hà Đông lại thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Hà Đông đã hoàn thành trọn vẹn, vẻ vang vai trò là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến đánh Mỹ, thống nhất đất nước. Lịch sử những năm tháng chống Mỹ cứu nước cũng ghi dấu những tình cảm đặc biệt của Bác Hồ với Hà Đông. Ngày 21/01/1966, khi về thăm, chúc Tết đồng bào xã viên hợp tác xã Văn Phú (nay là phường Phú La), Người đã căn dặn dân làng xây dựng quê hương đúng như tên làng: Văn là có văn hóa, Phú là giầu có.
Vượt qua những khó khăn, gian khổ thời kỳ bao cấp, Hà Đông tiếp tục nắm bắt và triển khai quyết sách mới của Đảng, cùng cả nước tạo nên những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm đổi mới.
Năng động, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới
Xứng đáng với vai trò trong lịch sử xây dựng và phát triển của tỉnh Hà Tây, Hà Sơn Bình, ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, Hà Đông chính thức trở thành quận nội thành của Thành phố Hà Nội. Mốc lịch sử này tiếp tục đưa Hà Đông đứng trước những thời cơ - vận hội mới để tiến mạnh, tiến nhanh trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Với diện tích 48,33 km2, dân số 38,8 vạn người với 17 đơn vị hành chính - Hà Đông đang là quận nội thành giàu tiềm năng và có tốc độ phát triển nhanh và mạnh của Thủ đô. Đó là kết quả từ chủ trương đúng đắn, cách làm sáng tạo, tinh thần chỉ đạo tập trung, kiên quyết, dứt điểm, hiệu quả của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân toàn quận. Nổi bật chính là Đảng bộ quận đã triển khai sớm việc thực hiện các chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVI thông qua việc ban hành 6 chương trình, đề án trọng tâm khóa XX với những nội dung, vấn đề quan trọng, bao trùm toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, xuất phát từ thực tiễn của riêng quận Hà Đông, đó là: công tác cán bộ, quản lý đô thị, phát triển thương mại dịch vụ, phát triển giáo dục đào tạo, cải cách hành chính và thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa.
Hà Đông đang trở thành điểm sáng đô thị văn minh, hiện đại, giàu bản sắc
phía Tây Nam trung tâm Thủ đô Hà Nội.
Trọng tâm đầu tiên là đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng bền vững. 2 nhiệm kỳ gần đây, BCH Đảng bộ quận ban hành và thực hiện có hiệu quả Đề án 02 về phát triển thương mại dịch vụ, trong đó đặc biệt coi trọng phát triển thương mại du lịch dịch vụ. 65 năm sau giải phóng, đến nay Hà Đông đã có hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại dày đặc, phát triển theo đúng quy hoạch, đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của nhân dân. Ngoài ra, quận vẫn chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh năng suất cao. Đây cũng chính là cơ sở để Hà Đông luôn giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 20%/năm. Thu ngân sách giai đoạn 2008-2018 liên tục đạt và vượt dự toán. Nếu năm 2008 thu ngân sách của quận chỉ đạt trên 1.700 tỷ đồng thì đến 2018 thu ngân sách toàn quận đạt trên 4.000 tỷ đồng. Trong 10 năm, quận Hà Đông thu hút đầu tư được 156 dự án với tổng vốn trên 56.400 tỷ đồng, với quy mô diện tích 629 ha.
Công tác quản lý đất đai, quy hoạch, quản lý đô thị được tập trung chỉ đạo quyết liệt với việc quận ban hành và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ Chương trình 04. Sau 10 năm, quận Hà Đông đã tập trung xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị khá đồng bộ, nhất là các công trình giao thông trọng điểm. Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở các phường được chỉnh trang, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới khang trang. Công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, quản lý sử dụng đất đai và bảo vệ môi trường được cải thiện rõ nét. Quận đã hoàn thành quy hoạch phân khu đô thị S3, S4, GS, H2-2, H2-3 trình Thành phố phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đất dịch vụ và kịp thời giao đất cho nhân dân.
Chọn giáo dục đào tạo là Đề án đầu tiên trong chương trình công tác 2 khóa gần đây, Đảng bộ Hà Đông đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” bằng việc ban hành Đề án 01 về “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo quận giai đoạn 2010-2020”. Trong 10 năm, quận đã tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới trường học, tăng cường trang thiết bị hiện đại; đội ngũ giáo viên không ngừng nâng cao trình độ ở mức chuẩn và trên chuẩn. Đến nay, toàn quận có 111 trường học với trên 90.000 học sinh. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 74,4%. Tỷ lệ học sinh, giáo viên giỏi các cấp tăng đều hàng năm. Thời điểm mới hợp nhất với Thủ đô, ngành Giáo dục - Đào tạo quận chỉ xếp thứ 14/29 quận, huyện, thị xã, nhưng đến năm học 2018 - 2019 đã vươn lên xếp vị trí thứ 3/30 quận, huyện, thị xã và được công nhận là Lá cờ đầu của ngành giáo dục Thủ đô, vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh có nhiều tiến bộ. Các chỉ tiêu văn hóa luôn đạt kế hoạch đề ra, tỷ lệ hộ gia đình, cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa năm sau luôn cao hơn năm trước. Nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống trong gia đình, họ tộc, hương ước cộng đồng được kế thừa, phát triển và song hành cùng nếp sống văn hóa văn minh đô thị. Hà Đông còn là địa phương đi đầu thành phố trong thực hiện chính sách đối với người có công. 10 năm qua, từ nguồn Quỹ đền ơn đáp nghĩa, quận đã xây mới, sửa chữa 270 nhà xuống cấp cho gia đình chính sách, hộ nghèo với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của quận hiện giảm còn 0,3% theo tiêu chí mới.
Những thắng lợi trong 65 năm qua của Hà Đông luôn gắn liền với sự trưởng thành và không ngừng lớn mạnh của hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở. Từ một Đảng bộ chỉ có trên 10 đảng viên sau ngày giải phóng, đến nay, Đảng bộ quận đã có 68 tổ chức cơ sở Đảng với trên 1,8 vạn đảng viên, sinh hoạt tại 620 chi bộ cơ sở. Số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm sau cao hơn năm trước. Cấp ủy, chính quyền quận tập trung giải quyết có hiệu quả nhiều vụ việc còn tồn tại theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”.
Bộ máy chính quyền không ngừng được củng cố, kiện toàn. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND; năng lực quản lý, điều hành của UBND quận và các phường từng bước được nâng cao; quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực được phát huy. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể từ quận đến cơ sở không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong các thời kỳ cách mạng. Ghi nhận những thành tích đạt được, năm 2012 quận Hà Đông vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Nhì cùng rất nhiều bằng khen của bộ, ban, ngành của Trung ương và thành phố Hà Nội.
115 năm sau ngày thành lập, 65 năm sau ngày giải phóng, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Hà Đông luôn tự hào về những đóng góp vẻ vang cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng phát triển đất nước, cũng như vai trò là một đô thị trung tâm trong suốt nhiều thời kỳ lịch sử.
Hà Đông hôm nay đã là một phần của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Chặng đường 11 năm hợp nhất với Thủ đô Hà Nội tuy ngắn nhưng đánh dấu những bước tiến dài của một quận trẻ giầu tiềm năng. Với thế và lực sẵn có, quận Hà Đông đang tự tin tiến những bước dài trên con đường phát triển, vươn mình trở thành điểm sáng đô thị văn minh, hiện đại, giàu bản sắc phía Tây Nam trung tâm Thủ đô Hà Nội.
Viết bình luận