Nâng cao vấn đề đạo đức hiện nay

Hiện nay, yêu cầu về tu dưỡng rèn luyện đạo đức của người cán bộ, đảng viên được đặt ra như một vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng nhằm góp phần từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Từ khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường, vấn đề đạo đức đã nổi lên như một vấn đề rất quan thiết đối với cán bộ đảng viên nói chung, có thể nhận thấy, vì thiếu rèn luyện đạo đức, khiếm khuyết về đạo đức, nhiều người đã bỏ qua tất cả những gì thiêng liêng nhất, bước qua tất cả những nguyên tắc rường cột nhất để mưu toan theo ý họ. Tham nhũng chính là là ăn cắp, là đạo chích. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh là đạo vị, tức là “lẻn vào quan trường” ăn trộm chức vụ, tệ hơn là đánh cắp lòng tin. Điều nguy hại là những người vi phạm đạo đức bất chấp nhân, lễ, liêm sỉ, có nguy cơ làm băng hoại đạo đức trong Đảng.
Cổ nhân xưa có nói: Nhân, lễ, liêm, sỉ là 4 “sợi dây” làm nên một xã hội, đất nước; mất một dây thì nước nghiêng; mất 2 dây thì nước nguy; mất 3 dây thì nước sẽ đổ; mất 4 dây nước sẽ diệt. Mất một dây, nước nghiêng thì có thể kê lại cho ngay ngắn; nước nguy thì có thể cứu nguy được; nước đổ có thể dựng lại được nhưng nước diệt thì không thể cứu được. Do vậy, vấn đề giáo dục, rèn luyện và kiểm soát đạo đức là công việc thường xuyên của chúng ta, của bất cứ ai, ngay từ trong mỗi gia đình: cha kiểm soát con, người nọ giám sát người kia, lãnh đạo kiểm soát cấp dưới, cấp dưới giám sát cấp trên, người cao nhất phải trở thành một tấm gương đạo đức, có như thế dân mới ra dân, quan mới ra quan… Nếu không gia đình sẽ bại hoại, xã hội sẽ hỗn loạn, phi đạo đức.
Thực tế cho thấy, có những điều rất bình thường về lẽ sống và chính sự, ở những người có đạo đức, chúng trở nên vô cùng thiêng liêng về đạo lý; song, có những điều rất cao sang về đạo đức, đặt vào những người tầm thường thì lại trở thành một sự sỉ nhục về đạo đức, sự đau đớn về đạo lý. Đó chính là một sự cảnh báo về chính trị nhưng lại mang tính nhân văn, tính đạo đức, mà mọi người muốn trở nên tử tế, phải tự xét lại mình, tự răn và tự sửa mình.


Đối với chúng ta, đạo đức lúc này là phải hành động, chứ không phải để bàn suông. Cấp trên phải nêu gương, rồi bản thân mỗi cá nhân cũng phải là tấm gương về đạo đức, tự khắc đạo đức mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ được chỉnh đốn, dù ở đâu, bất cứ lúc nào. Mỗi người là một tấm gương đạo đức sống để cùng nhau soi, chắc chắn xã hội sẽ hoàn thiện về đạo đức. Tất cả các đảng viên trước hết phải là một công dân tốt, lấy đó là căn bản làm cán bộ, đảng viên tốt, thì tự khắc đạo đức xã hội sẽ dần dần yên ổn và thịnh trị. Xử lý nghiêm cách sự vô đạo đức, ấy chính là đạo đức chúng ta cần! Vì, đức hạnh là nền tảng của mọi thứ và chân lý, không gì khác, là bản chất của mọi đức hạnh.

Việc cần làm trong lúc này đó là:
Thứ nhất, cần thực thi nghiêm tất cả các quy định của Trung ương Đảng, trước mắt là các điều đảng viên không được làm, những quy định khác của Điều lệ Đảng.

Thứ hai, ngay từ bây giờ, người đứng đầu ở tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương hãy tự vấn mình, tự khuôn mình trở thành một tấm gương về đạo đức, trong sạch, trung thực, gần dân. Trung thực với chính mình, thì sẽ lôi cuốn được xã hội.

Thứ ba, khi đạo đức chưa đủ thấu, đạo lý chưa đủ răn, tự sửa mình chưa đủ độ buộc pháp luật phải ra tay với tinh thần dân chủ, quốc pháp vô thân.

Thứ tư, đề cao mạnh mẽ sức mạnh của các cơ quan kỷ luật của Đảng và các cơ quan pháp luật của Nhà nước, không để bất kỳ một cán bộ, đảng viên nào nằm ngoài sự kiểm soát của nhân dân.

Cổ nhân nói: Tôn tài thì đại thịnh, tôn nịnh thì đại suy. Phải tôn trọng người tài, không phân biệt là lãnh đạo, quản lý hay chuyên gia, kỹ thuật… thì đất nước mới phồn thịnh. Đấy phải là cương lĩnh, là mục tiêu và là hành động của chúng ta lúc này. Đấy cũng là khát vọng của muôn dân, để mỗi người Việt Nam đều hướng về dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguồn: 

ST

Viết bình luận