Cách bảo vệ trẻ nhỏ khỏi dịch sốt xuất huyết
Dịch sốt xuất huyết đang ngày càng gia tăng gây sự lo lắng cho người dân, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ bởi tỉ lệ nhiễm bệnh ở nhóm 4-9 tuổi là khá cao. Đến nay toàn thành phố ghi nhận 11.751 trường hợp. Số ca mắc tập trung chủ yếu ở một số quận nội thành như Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Ba Đình và huyện Thanh Trì...
Hiện vẫn chưa có vắc-xin để phòng bệnh và thuốc đặc trị nên các chuyên gia y tế đã kịp thời đưa ra một vài lời khuyên cho các gia đình để ngăn ngừa nguy cơ trẻ nhỏ mắc bệnh ở mức thấp nhất.
Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp tính do muỗi vằn hút máu, truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành qua đường muỗi đốt. Muỗi vằn thường sống ở trong nhà, đậu trong những chỗ tối như gầm bàn, gầm giường, hộc tủ…chích hút máu người cả ngày lẫn đêm.
Mọi nhà cần chủ động diệt muỗi. Không nên để những lọ hay bình còn đọng nước trong nhà vì đó là môi trường cho muỗi sinh sôi. Nên chú ý súc rửa bình hoa, hong khô các vật dụng chứa nước khi không dùng tới, luôn giữ nơi ở của gia đình khô thoáng. Thêm vào đó, để cẩn thận hơn, cần phải mặc quần áo dài cho bé khi đi ngủ để ngăn ngừa muỗi chích. Các bậc cha mẹ cũng có thể dùng những biện pháp thông thường để xua và diệt muỗi như dùng màn, rèm che, phun thuốc trừ muỗi…
Tăng cường các biện pháp chống dịch, nếu không có muỗi truyền bệnh thì sẽ không có mầm bệnh phát triển và lây lan. Do đó việc luôn luôn giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy sẽ giúp đẩy lùi tỉ lệ nhiễm bệnh đến mức tối đa. Các trung tâm y tế dự phòng khuyến cáo khi xảy ra dịch cần tăng cường các biện pháp chống dịch, làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi vào không gian để đảm bảo muỗi không còn môi trường phát triển.
SXH thường có sốt cao liên tục 3-4 ngày, ho, sổ mũi, đau nhức mình mẩy, đau nhức hố mắt, nôn và có thể tiêu chảy. Sốt trong bệnh SXH khó giảm với thuốc hạ sốt paracetamol trong 3 ngày đầu và khi sốt bắt đầu giảm sẽ bắt đầu xuất huyết, biểu hiện như da sung huyết (da đỏ ửng, môi khô đỏ tươi... do hiện tượng cô đặc máu), có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, mắt đỏ và hay kèm nôn, chân tay lạnh. Nếu có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế để được điều trị kịp thời./.
Hà Vy
Viết bình luận